ĐÌNH TỰ NHIÊN - XÃ TỰ NHIÊN - THƯỜNG TÍN
(Thường Tín Xưa và Nay)
ĐÌNH TỰ NHIÊN - XÃ TỰ NHIÊN - THƯỜNG TÍN Đình Tự Nhiên được xây năm 1702. Thờ: thánh Chử Đồng Tử, 2 công chúa Tiên Dung, Hồng Vân và tướng Đào Thành của Hai Bà Trưng. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1988). Vị trí: xã Tự Nhiên, H. Thường Tín, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 25km. Trạm bus lân cận: bến Hồng Vân, tỉnh lộ ĐT427 (xe 06b)
ĐÌNH TỰ NHIÊN - XÃ TỰ NHIÊN - THƯỜNG TÍN
Đình Tự Nhiên được xây năm 1702. Thờ: thánh Chử Đồng Tử, 2 công chúa Tiên Dung, Hồng Vân và tướng Đào Thành của Hai Bà Trưng. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1988).
Vị trí: xã Tự Nhiên, H. Thường Tín, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 25km. Trạm bus lân cận: bến Hồng Vân, tỉnh lộ ĐT427 (xe 06b)
Làng Tự Nhiên xưa kia gọi là làng Gòi, ở trên một cù lao sông Hồng thuộc tổng Vĩnh Hưng, huyện Đông An, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Việc quản lý gặp nhiều khó khăn do làng bị ngăn cách bởi dòng chảy chính, nhất là trong mùa mưa lũ. Đến đầu thế kỷ XIX, vua Gia Long quyết định cho nhập vào phủ Chương Dương, huyện Thượng Phúc, trấn Sơn Nam Thượng. Tháng 1-1971 xã Hồng Châu đổi tên thành xã Tự Nhiên, thuộc huyện Thường Tín, TP Hà Nội.
Bãi Tự Nhiên là nơi lần đầu công chúa Tiên Dung gặp Chử Đồng Tử và bén duyên. Bên kia sông là đất Hưng Yên với đầm Dạ Trạch ghi dấu truyền thuyết về toà thành một đêm của vợ chồng họ. Đầm còn làm căn cứ chống nhà Lương của Triệu Quang Phục và chống Pháp của Nguyễn Thiện Thuật. Nhờ sông to và phù sa màu mỡ, nghề cá và nghề nông ở Tự Nhiên phát đạt, sau có thêm nghề vận tải, chế biến gỗ và khai thác cát. Dân cư đông dần theo thời gian nên tách làm ba thôn: Thượng, Hạ, Thủy Cơ.
Du khách từ trung tâm Hà Nội có thể xuống bến xe Giáp Bát rồi lên bus số 06b đi thẳng đến bến cuối Hồng Vân trên tỉnh lộ ĐT427, sau đó đi tiếp về phía đê sông Hồng sẽ nhìn thấy một cái cổng rất to đề rõ tên làng. Cách cổng làng khoảng 400m là đình Hạ và đình Thượng nằm cạnh nhau. Đình Thủy Cơ nằm ở cuối làng do ngư dân xây dựng vào năm 1862. Năm 1947 đình bị giải hạ theo chủ trương tiêu thổ kháng chiến.
Ngày 16-11-1988 Bộ Văn hoá - Thông tin đã xếp hạng đình Hạ là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Đình Thượng được công nhận tương tự nhưng muộn hơn vào ngày 30-12-2002. Năm 2018, huyện Thường Tín đệ trình Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định xếp hạng “Di tích quốc gia đặc biệt đình Tự Nhiên” (gồm: đình Hạ, đình Thượng và khu “Bãi tắm nàng tiên”).
Kiến trúc
Đình Hạ và đình Thượng xây năm 1702, tới năm 1739 chuyển lên nơi cao ráo để tránh lụt lội. Hậu cung được thực hiện vào cuối thời Nguyễn. Hai ngôi đình từng được trùng tu nhiều lần. Ngày nay cả hai đình đang dùng chung sân giữa và tường bao, làm thành một khuôn viên thông thoáng và vuông vắn. Phía trước lại có hai ao đình, tượng trưng cho đôi mắt rồng, nằm ở hai bên con ngõ rộng dẫn đến cổng chung nhìn về hướng Tây.
Đình Hạ gồm đại bái, trung cung, hậu cung. Đại bái 3 gian 2 dĩ, trong có các mảng chạm nổi hình người cưỡi voi và đô vật; lại có các bức cốn dài 1m2, cao 1m6, chạm khắc đề tài "rốn rồng" với tích “rồng mẫu tử”. Trung cung được xây theo kiểu phương đình 2 tầng 8 mái với 4 đầu đao cong vút. Cổ diềm có các chấn song con tiện để lấy ánh sáng. Trong chính điện có bức cửa võng 5 tầng giữa lối vào hậu cung. Hậu cung chồng diềm 2 tầng 4 mái, bên trong đặt ba cỗ long ngai. Tay ngai chạm rồng với đủ chân, thân và đầu đối xứng chầu vào long ngai.
Đình Thượng gồm đại bái, thiêu hương, hậu cung. Đại bái 3 gian 2 dĩ, các mái ngói ta đè nặng trên bốn hàng chân gỗ và vì nóc theo kiểu chữ Đinh, một vì đã được sửa khi dời đình từ giáp bờ sông vào vị trí ngày nay. Tại đây có các mảng chạm khắc theo tích “Độc long”. Hậu cung chia làm hai, một bên thờ Đức thánh Chử và nhị vị phu nhân Tiên Dung, Hồng Vân (Tây Sa), một bên thờ tướng Đào Thành của Hai Bà Trưng. Thanh gươm của thánh Chử đặt trước bàn thờ Ngài.
Di sản
Trong hậu cung của đình Hạ và đình Thượng đều đặt bài vị thờ 4 đức thành hoàng. Đình Hạ hiện lưu giữ được 66 đạo sắc phong, đình Thượng có 69 đạo sắc phong, 6 cỗ kiệu bát cống, một đầu sư tử tạo tác vào khoảng giữa thế kỷ XX. Nghi thức chủ yếu của hội đình là lễ Long Ngư với đám rước nước vào ngày mồng Một tháng Tư. Trước đó, người dân đã chọn gạo cẩn thận và ngâm để giã bánh dày rồi bày lên mâm lễ vật.
Làng có tục kiêng viết, nói, dùng tên Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Chẳng hạn chỉ có 2 đội múa rồng, không có múa sư tử, “Dung” gọi là “dong”. Đình còn giữ 6 chén ngọc cổ dùng dâng Thánh ngự uống nước. Khi rước thì kiệu bà Hồng Vân đi trước. Khi đi làm ngoài đồng, bãi không được “chống đòn càn xuống đất, chụp nón trên gậy”. Khi vào đình phải bỏ nón, mũ, không dùng quần áo ngắn...
Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung được tổ chức vào ngày 01 tháng 4 âm lịch hàng năm và theo thông lệ thì cứ 3 năm lại tổ chức lễ hội lớn để kỉ niệm ngày Đức thánh Chử Đồng Tử gặp công chúa Tiên Dung trên bãi cát của làng. Năm nay, Lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung đ­ược tổ chức trong ba ngày từ ngày 30/3 đến ngày 2/4 âm lịch. Lễ hội gồm 2 phần đó là phần lễ và phần hội. Phần lễ với nghi thức chính là rước nước và rước kiệu. Rước nước là một nghi lễ đi thuyền ra giữa sông Cái, múc nước vào cái chum rồi đem về lễ thánh.
Những người cao tuổi trong xã nói việc rước nước không chỉ mang ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, làm ăn sung túc mà còn thể hiện nét tín ngưỡng sâu sắc, nhằm tưởng nhớ về thánh Chử Đồng Tử với nghề đánh cá xuôi ngược trên sông. Rước kiệu được cử hành long trọng đúng với nghi lễ cổ truyền một nghi lễ trọng thể đầy đủ các tự khí với trống chiêng rộn ràng, cờ quạt tàn, tán phấp phới, tàn lọng và những bản nhạc của phường bát âm. Nhân dân trong và ngoài xã nô nức rước ngay từ Đình làng ra tận bờ sông Hồng. Đám rước đến tại bến sông, sẽ lấy nước cọ kiệu và diễn lại tích huyền thoại “Chử Đồng Tử gặp công chúa Tiên Dung” trên bãi tắm nàng tiên và cùng huyền thoại rồng du thuyền trên sông. Phần hội đ­ược mở rộng với các hoạt động phong phú như­ múa rồng, múa sinh tiền, diễn xư­ớng dân gian, văn nghệ, thể thao; các trò chơi dân gian, hiện đại như­ hát quan họ, cờ ng­ười, thu hút đông đảo nhân dân địa ph­ương và khách thập ph­ương về dự lễ hội.

Có thể là hình ảnh về 1 người, đang đứng và ngoài trời

Có thể là hình ảnh về 1 người, đang đứng và ngoài trời

Có thể là hình ảnh về 1 người, đang đứng và ngoài trời

Tin liên quan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VĂN HÓA - DU LỊCH - LÀNG NGHỀ HUYỆN THƯỜNG TÍN
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban vận động Hiệp hội văn hóa du lịch làng nghề huyện Thường Tín
Người đại diện: Nguyễn Hải Đăng
Sdt: 097 266 91 94