Cứ mỗi dịp xuân về, hòa trong không khí tưng bừng, vui tươi, náo nhiệt nơi sự giao thoa ôn hòa giữa Đất, trời. Nhân dân trong làng lại háo hức tổ chức lễ hội truyền thống tại 04 làng của xã Hồng Vân từ ngày mùng 8 đến ngày 10 tháng 02 Âm lịch.
Hội làng như một mạch nước ngầm xuyên thời gian bừng chảy trong đời sống vật chất , tinh thần và tâm linh của người Việt. Lễ hội truyền thống nhằm giữ gìn và phát huy giá trị Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô giá mà các bậc tiền bối, cha ông ta đã gìn giữ rất nhiều năm, để dựng xây và lưu truyền lại tới ngày nay;
Lễ hội là dịp để nhân dân hướng về nguồn cội, phát huy tinh thần yêu nước, tự hào tự tôn dân tộc, bày tỏ lòng thành kính đến các vị thánh; đồng thời thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” để cầu cho gia đình luôn được mạnh khỏe, an vui và thịnh vượng, cầu cho Quốc thái Dân an.
Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung thôn Vân La
Lễ hội Làng Xâm Xuyên
Lễ hội Làng Xâm Thị
Lễ hội Làng La Thượng
Một số hình ảnh lễ hội năm 2022:
Lễ hội “Chử Đồng Tử - Tiên Dung” tại thôn Vân La xã Hồng Vân
Đình làng Vân La thờ Thánh “Chử Đồng Tử và Nhị vị Công chúa” (Tiên Dung công chúa và HồngVân công chúa) – Một trong 4 truyền thuyết “tứ bất tử” của dân tộc Việt, bên hữu là thờ QuậnCông Đỗ Bá Phẩm, bên tả thờ thổ thần.
Lễ hội Chử Đồng Tử -Tiên Dung mang những nét đẹp riêng của vùng quê Văn Hiến, thắm đượm văn hóa dân gian và gắn liền với những truyền thuyết của một trong “Tứ bất tử” của Người Việt. mang giá trị văn hóa sâu sắc, là bức tranh về đời sống phong phú, sinh động của người Việt cổ vùng đồng bằng Bắc bộ trong việc khai phá đầm lầy, phù sa ven sông Hồng từ hàng ngàn năm trước. Đây không chỉ là huyền thoại về tình yêu mà còn là bài ca về lòng hiếu thảo, về đạo làm người, là minh chứng của nền văn minh lâu đời của dân tộc Việt Nam
Lễ hội Làng Vân La : Nơi Thờ Thành Chử Đồng Tử - Tiên Dung Công Chúa.
LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG LÀNG LA THƯỢNG
Theo Thần tích ngọc phả thì Đình làng thờ Đức Linh Lang đại vương, Duệ hiệu Hoàng tử Lý Hoàng Chân. Người là vị tướng anh hùng, cầm quân đánh dẹp giặc Tống cứu nước, cứu dân thời nhà Lý thế kỷ XI. Hàng năm cứ vào ngày 10 tháng 2 âm lịch (ngày ngài hóa thân trở về trời) và ngày mùng 10 tháng 8 âm lịch (là ngày mất của mẹ ngài) mở hội làng để cùng nhau ôn lại truyền thống xa xưa
LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG LÀNG XÂM XUYÊN
Đình làng Xâm Xuyên là tên thường gọi trong nhân dân, tên ngôi đình là tên của làng.Từ thời Hậu lê về trước, làng Xâm Xuyên có tên gọi là Liễu Xuyên, cuối thời Lê mới đổi thành Xâm Xuyên.
Theo thần phả của Làng thì Đình làng thờ Đức Linh Lang Đại Vương con trai vua Lý Thành Tông, ngài đã cùng Lý Thường Kiệt đánh tan mấy chục vạn quân Tống, Làng Xâm Xuyên là nơi lực lượng thủy quân lưu trú, luyện tập đến nay vẫn còn các điền tích lưu lại như: Cánh đồng Lạch hành là nơi hành trú của Thủy quân, cánh đồng Dải Cờ tương truyền là nơi cắm cờ, cánh đồng Tháp Bút là nơi Linh Lang đã đứng coi thủy quân luyện tập, miếu Cây Đa và miếu Thần Súng là nơi thờ thần vũ khí, đền lộ thiên có từ thời Lý. Tất cả các di tích cảnh quan đó đã gắn liền với cuộc sống người dân vùng châu thổ Sông Hồng
LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG LÀNG XÂM THỊ
Thờ phụng nhị vị Nhập nội Cảm Ứng Kiến Quốc Hưng Cơ Đại vương và Linh Quốc Hiển Ứng Đại vương và Tam tòa Thánh mẫu. Lễ hội Đền Xâm Thị luôn được gắn với Đình Xâm thị tạo thành một lễ hội Đình - Đền đặc sắc.
Lễ hội đền Xâm Thị có những nét đặc trưng riêng mang dấu ấn văn hóa vùng. Trải qua năm tháng, lễ hội đó vẫn tồn tại như một sức mạnh vô hình để người dân gửi gắm những khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, ấm no đến bậc bề trên.