Để góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa trong xây dựng NTM, ngành Văn hóa, huyện đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và tổ chức hoạt động của trung tâm văn hóa xã, nhà văn hóa thôn, cụm dân cư. Đồng thời luôn quan tâm đến việc giữ gìn và phát huy nét đặc sắc văn hóa của địa phương; tuyên truyền về xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong giai đoạn mở cửa hội nhập... Cùng với đó, ngành cũng chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch khai thác, quản lí các thiết chế văn hóa có hiệu quả, phát huy hết công năng sử dụng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần cho nhân dân.
Đồng thời, ngành văn hóa chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện tiêu chí 16 về văn hóa như nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện việc đăng kí, bình xét, công nhận gia đình văn hóa, làng, cụm dân cư, tổ dân phố văn hóa đúng quy trình, dân chủ, thực chất. Đưa các tiêu chí văn hóa, khuyến học vào nội dung của hương ước, quy ước các làng, xem đây là tiêu chí đánh giá thi đua và bình xét cuối năm. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác tuyên truyền, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Thực hiện việc phục dựng và phát triển các làn điệu dân ca cổ truyền, các tích trò trong lễ hội truyền thống như hát trống quân (xã Khánh Hà), hát chèo (xã Nghiêm Xuyên), kéo lửa nấu cơm thi (Lễ hội Từ Vân – xã Lê Lợi) và các lễ hội đặc sắc của các địa phương như: Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung (xã Tự Nhiên), lễ hội đền Bộ Đầu (xã Thống Nhất), lễ hội làng Từ Vân (xã Lê Lợi), lễ hội chùa Đậu (xã Nguyễn Trãi)…
Ảnh: Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung xã Tự Nhiên
Ảnh: Màn hát đối đáp của các thành viên CLB Trống quân xã Khánh Hà
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền, việc quy hoạch, đầu tư xây dựng, sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao từ huyện đến cơ sở đã từng bước được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong xây dựng NTM. Đến nay, huyện đã xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp 148 nhà văn hóa (NVH), trong đó, số nhà văn hóa làng có trước 2006 là 15 nhà văn hóa. Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã xây mới và sửa chữa, nâng cấp hoàn thành đưa vào sử dụng 42 NVH, trong đó, 35 NVH xây dựng mới, 7 NVH cải tạo, sửa chữa với tổng nguồn kinh phí huyện hỗ trợ trên 46.453 triệu đồng, trong đó, năm 2016 hỗ trợ 2.800 triệu đồng; năm 2017 là 7.468 triệu đồng; năm 2018 là 9.400 triệu đồng; năm 2019 là 1.400 triệu đồng. Các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đã phát huy hết công năng, hiệu quả sử dụng, trở thành địa điểm tập trung sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân, là nơi tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, các hội thi, hội diễn nhân các sự kiện trọng đại, ngày lễ, tết của quê hương, đất nước; là địa điểm vui chơi, giải trí, đọc sách cho trẻ em; tập thể dục dưỡng sinh cho người cao tuổi...
Ảnh: Nhà văn hóa mới được huyện đầu tư xây dựng
Trên quan điểm chú trọng chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng, cụm dân cư, tổ dân phố văn hóa là nhiệm vụ hàng đầu, ngành Văn hóa huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh việc thành lập, tổ chức hoạt động các câu lạc bộ về phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc; các mô hình về ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền. Từ đó làm cơ sở phát huy các mối quan hệ trong gia đình để làm hạt nhân giữ vững, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đến nay, toàn huyện đã có trên 87% gia đình được công nhận là gia đình văn hóa; 89% làng được công nhận mới và tái công nhận danh hiệu làng văn hoá; có 15/29 xã đạt chuẩn văn hóa NTM và 29/29 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM. (nông thôn mới chỉ áp dụng cho xã)
Thông qua phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng, cụm dân cư, tổ dân phố văn hóa, nhiều nét đẹp trong văn hóa lao động, sản xuất đã hình thành. Các mô hình giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu chính đáng phát triển. Các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp được khơi dậy và gìn giữ; tình làng nghĩa xóm được thắt chặt hơn; nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; công tác đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện được thực hiện hiệu quả. Các di tích lịch sử văn hóa cách mạng đã được đầu tư, tu bổ, tôn tạo, các giá trị văn hóa truyền thống của các địa phương được lưu giữ.
Cùng với đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã có những tác động tích cực đến việc thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện. Qua việc thực hiện phong trào, người dân đã đồng lòng, đồng sức cùng nhà nước góp công, góp của, xã hội hóa các hoạt động nhằm tạo ra nguồn lực tập trung xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng, đường giao thông nông thôn ngày một hoàn thiện hơn, góp phần làm cho bộ mặt các vùng nông thôn thêm khởi sắc.
Mục tiêu xuyên suốt trong chương trình xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Do đó, cùng với xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được chú trọng đã khơi gợi, bồi đắp những giá trị văn hóa tốt đẹp trong mỗi con người, mỗi nhà và trong từng thôn, cụm dân cư, khu phố. Chương trình xây dựng NTM có khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, do vậy, để phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng NTM, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự chuyển biến căn bản về tầm quan trọng, sự cần thiết của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa gắn với xây dựng NTM trong tình hình mới./.
Hoài Thu