Trên địa bàn huyện hiện có 450 điểm di tích lịch sử, văn hóa, trung bình cứ 1 km2 có 3 di tích. Về di sản văn hóa phi vật thể, nhiều địa phương trong huyện còn lưu giữ kho tàng tục ngữ, dân ca, các sinh hoạt lễ hội, các tích trò dân gian đậm nét nhân văn: Kéo lửa nấu cơm thi, các cuộc thi võ cổ truyền, hát trống quân, tuồng, chèo, chầu văn...
Trong những năm qua, đặc biệt là từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” huyện Thường Tín đã và đang tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Để đảm bảo công tác đầu tư cho việc quản lý, chống xuống cấp, phát huy giá trị di tích, hằng năm phòng Văn hóa thông tin huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn làm tốt công tác khảo sát, đánh giá hiện trạng các di tích trên địa bàn qua đó làm căn cứ để tham mưu với UBND huyện trong công tác quản lý di tích, đề xuất xếp hạng các di tích có giá trị về lịch sử, kiến trúc; đề xuất với UBND Thành phố hỗ trợ nguồn kinh phí cho tu bổ, tôn tạo các di tích đã xuống cấp.
Trong năm 2017, có di tích Đình Hạ Thái, xã Duyên Thái đã được nâng cấp xếp hạng từ di tích cấp thành phố lên di tích cấp Quốc gia tại Quyết định số 824/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận Di tích Đình Hạ Thái là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Di tích Đình Thư Dương, xã Thư Phú và di tích Đình Phụng Công (xã Hòa Bình) được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Thành phố, nâng tổng số di tích được xếp hạng trên địa bàn huyện lên 110 di tích (trong đó 59 xếp hạng cấp Quốc gia, 51 xếp hạng cấp Thành phố). Bên cạnh đó, năm 2017 huyện Thường Tín cũng vinh dự đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia nghề thêu truyền thống thôn Đông Cứu, xã Dũng Tiến và đón nhận bảo vật quốc gia đối với 02 thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường tại Chùa Đậu, xã Nguyễn Trãi.
Ảnh: Đình Hạ Thá, xã Duyên Thái được nâng cấp xếp hạng lên Di tích cấp Quốc gia
Phòng văn hoá thông tin huyện còn tham mưu cho UBND huyện phối hợp với Ban Quản lý di tích danh thắng Thành phố tổ chức thông qua hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích cấp thành phố đối với di tích Đền Ngũ Xã, xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội. Đề nghị Thành phố xếp hạng di tích đình Hoàng Xá, thôn Hoàng Xá, xã Khánh Hà; Đình Cao Xá, thôn Cao Xá, xã Dũng Tiến. Tham mưu UBND huyện thực hiện đúng quy trình tu bổ, chống xuống cấp đối với di tích Đền thờ Tổ nghề lược sừng và Chùa Thụy Ứng, thôn Thụy Ứng, xã Hòa Bình; Đền Quán Thánh và Đình Phúc Trạch, xã Thống Nhất; chùa Cả (chùa Duyên Trường), xã Duyên Thái; Đình Gia Khánh (xã Nguyễn Trãi), Đình Hướng Dương (xã Thắng Lợi)...
Cùng với việc phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của chính quyền, huyện Thường Tín còn phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong việc bảo tồn phát huy các giá trị của di tích thể hiện thông qua công tác xã hội hóa trong tu bổ tôn tạo di tích. Một số di tích đã được địa phương chủ động xin phép tu bổ, sửa chữa bằng nguồn xã hội hóa như: Chùa Văn Hội xã Văn bình với tổng mức đầu tư gần 9 tỷ đồng, Đình Bình Vọng (xã Văn Bình) trên 3 tỷ đồng; Đình Thượng Đình (xã Nhị Khê) tổng mức đầu tư gần 4 tỷ đồng trong đó Thành Phố hỗ trợ 2 tỷ đồng theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, còn lại là nguồn xã hội hóa; Đình Yên Phú (xã Văn Phú) chống xuống cấp 700 triệu đồng, Đình Nhân Hiền (xã Hiền Giang) chống xuống cấp gần 700 triệu đồng, đình Chùa Từ Vân xã Lê Lợi tu bổ tôn tạo với tổng kinh phí 50 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa; Chùa phúc Hưng thôn Trần Phú xã Minh Cường hoàn thành tu bổ với nguồn xã hội hóa hơn 70 tỷ đồng.
Cùng với các hoạt động bảo vệ, tôn tạo, việc phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa đã góp phần phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” trong cộng đồng dân cư thông qua việc tổ chức lễ hội. Có thể nói, trong những năm qua, công tác quản lí tổ chức lễ hội mùa xuân đã được thực hiện tốt, một số lễ hội trọng điểm của huyện như: Hội Từ Vân xã Lê Lợi, hội Chùa Đậu xã Nguyễn Trãi, Hội Đền Lộ xã Ninh Sở, hội Chùa Mui xã Tô Hiệu …. không có ăn mày, ăn xin, không mê tín dị đoan, vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo.
Tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống văn hoá, cách mạng, lao động sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, huyện Thường Tín đang quyết tâm đưa văn hoá ngày càng đi vào toàn bộ đời sống và các hoạt động xã hội, vào từng người, từng tập thể và cộng đồng; xây dựng đời sống văn hoá tinh thần cao đẹp, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển quê hương giàu đẹp. Trong thời gian tới, huyện Thường Tín tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho nhân dân trong huyện về vị trí, vai trò của văn hoá trong hoạt động tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển Kinh tế - Xã hội, thực hiện nhiệm vụ An ninh-Quốc phòng của huyện./.
Hoài Thu